Khi đường hô hấp bị xâm chiếm bởi nhiều vật lạ, chất bẩn, bụi, hoặc chất nhầy do chính ống dẫn khí tiết ra quá nhiều thì cơ thể thường phản ứng bằng cách ho. Khi ho, hơi ở trong phổi sẽ giúp tống những chất này ra ngoài. Vì vậy về nguyên tắc, ho là một phản ứng bảo vệ cần thiết của cơ thể, cho nên trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể khuyên không nên tìm cách giảm triệu chứng ho ngay lập tức
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ho là biểu hiện của các vấn đề sau
– Ho cấp tính thường kèm theo sốt với trẻ bị viêm đường hô hấp trên
– Ho mãn tính do viêm lâu ngày các đường hô hấp trên như viêm Amidan, viêm xoang… thường trẻ ho hung hắng, sốt nhẹ, dai dẳng, kém ăn, chậm lớn, đêm ngủ có thể thở khò khè hoặc tiếng thở nặng
– Ho do hen thường không có sốt, thường trẻ ho khan và ho từng cơn, có kèm theo tiếng rít, có thể có chảy rớt rãi, trẻ rất mệt, môi tím
– Ho đêm ở trẻ sơ sinh có thể do các chất nhầy tích tụ làm tắc các đường dẫn khí, để xử lý cần bế trẻ dậy, áp ngực trẻ vào ngực cha mẹ, vỗ nhè nhẹ vào vùng lưng trên để giúp các chất nhầy tích tụ trong các đường dẫn khí chảy đi
– Trẻ ho đêm cũng có thể là triệu chứng của sặc thức ăn do nôn trớ, do bị trào ngược thực quản, dạ dày
– Ho tiếng khan khàn từng tiếng một ông ổng có thể là viêm thanh quản
– Ho từng cơn dài, trẻ đỏ mặt và rũ rượi trong và sau cơn ho có thể là ho gà
– Ho bất chợt, sặc sụa lúc trẻ đang chơi, thở khó, mặt tái đi thì cần chú ý vì có thể trẻ có dị vật đường thở do trẻ nuốt vào
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khi trẻ bị ho nhiều, cha mẹ nên cho con đi khám bác sĩ trước khi quyết định có dùng thuốc hay không? Ngoài ra có thể dùng một số phương pháp chữa ho theo kinh nghiệm dân gian như: quất, chanh, lá hẹ… hấp đường phèn hoặc mật ong rồi chắt chút nước cho trẻ uống. Đối với các cháu trên ba tuổi bị ho kéo dài, hoặc tái đi tái lại nhiều lần thì việc dạy cho các cháu tập hít thở sâu là biện pháp khá hiệu nghiệm để giúp chữa triệu chứng ho.