Lời “thì thầm” sẽ rút ngắn khoảng cách với cha mẹ

Con cứ thể lớn lên và trở nên khép kín với gia đình. Có những lần bố mẹ đã nói những câu làm con tổn thương vô cùng, nói con là đồ thất bại. Mẹ còn bảo con chả chịu chia sẻ cái gì với mẹ, nhưng mẹ chưa bao giờ hỏi con hôm nay như thế nào, ở trường có chuyện gì không?

Con năm nay 16 tuổi, con xin phép chia sẻ câu chuyện của mình. Con cảm thấy việc mở lòng với mọi người xung quanh và chia sẻ những có khăn đang gặp phải vô cùng khó khăn, ngay cả với bố mẹ và gia đình của mình. Trên mạng xã hội con thấy các bạn chia sẻ những hình ảnh, dòng tin nhắn tình cảm với bố mẹ, con ngưỡng mộ lắm. Nhưng con không có cách nào làm được vậy, sau khi mẹ sinh em ra, có một quãng thời gian con ở với ngoại để bố mẹ chăm sóc em vì lúc đấy nhà con không đủ chỗ cho 4 người ở. Sau thời gian đó con không còn ký ức nào về việc bố mẹ đã dành tình cảm cho mình như thế nào nữa, và những khó khăn về sau của con cũng không có cách nào mở miệng chia sẻ cho bố mẹ.

 

Con cứ thể lớn lên và trở nên khép kín với gia đình. Có những lần bố mẹ đã nói những câu làm con tổn thương vô cùng, nói con là đồ thất bại. Mẹ còn bảo con chả chịu chia sẻ cái gì với mẹ, nhưng mẹ chưa bao giờ hỏi con hôm nay như thế nào, ở trường có chuyện gì không? Những câu hỏi mẹ hỏi em nhưng chưa bao giờ hỏi con, vậy nên con không có cách nào chia sẻ được với mẹ cả. Về bố, bố luôn hứa nhưng chưa bao giờ làm. Có lần bố đem cherry mà con thích nhất cho khách ăn hết, con trách bố và sau đó bố chửi con thậm tệ, còn đánh con nữa. Chả lẽ người ngoài quan trọng hơn con mặc dù con đã dặn phải để lại cho con một ít. Khi tiếp xúc với bố của các bạn khác, con chả thấy ai tệ như bố con cả, bố làm rất nhiều việc khiến con không còn tôn trọng bố nữa.

 

Về bạn bè, vì xích mích giữa 2 người bạn thân của con, con bị các bạn hiểu lầm và từ đó bị cô lập trong suốt nửa năm học lớp 8 và lớp 9. Thời gian đó kinh khủng vô cùng, các bạn công khai nói xấu con trước lớp, luôn cố gắng khiến cô chủ nhiệm không vừa mắt con. Con tự hỏi có phải vì thế mà bây giờ đã lên lớp 10, con không thể thoải mái cởi mở chia sẻ với bạn bè vì con đã quen cảm giác một mình trong hơn 1 năm qua. Con luôn sợ người khác mất lòng khi mình quá thoải mái nên vô tình tạo khoảng cách giữa con và các bạn mới, và con không biết phải khắc phục như thế nào. Con luôn nghĩ lên cấp 3 con sẽ kiếm được một người bạn thân, ít nhất thế. Nhưng con không thể nói chuyện một cách tự nhiên với các bạn.

 

Con luôn muốn sẽ có được một người bạn thân, nhưng lúc đi chơi riêng với một bạn trong lớp con lại thấy không thoải mái. Dần con sợ đi chơi riêng với bạn vì con không biết phải cư xử và nói chuyện như thế nào. Có thể cho con lời khuyên ko ạ?

 

 

Cô chào con!

 

Cô phần nào hiểu được tâm trạng khi này của con vì cô cũng đã từng trải qua cảm giác như con lúc này. Sau này cô mới nhận ra nhiều điều đã không như mình nghĩ. Trước tiên cô khuyên con nên mở lòng ra nhé, vì cuộc sống này có rất nhiều điều tươi đẹp, ý nghĩa chờ đón chúng ta.

 

Rất nhiều cha mẹ đặt những kì vọng vào con cái mà vô tình lại tạo ra cho các con một sự áp lực vô hình. Nhưng thực ra những điều bố mẹ mong muốn cũng là để mong sao cho các con có được một tương lai tốt đẹp. Cô cũng thừa nhận khi bố mẹ tức giận thì dễ có những lời nói dễ khiến cho các con tổn thương, ấy vậy mà nhiều người cũng từng “thú tội” chẳng hiểu tự khi nào mình bỗng trở thành “phù thủy” trong mắt của các con. Giá như bố mẹ nói nhẹ nhàng hay khéo léo hơn, đừng trách móc,… thì cũng tốt biết mấy con nhỉ. Hãy thông cảm cho bố mẹ con nhé, trong cuộc sống bố mẹ cũng chịu rất nhiều áp lực từ công việc, kinh tế, các mối quan hệ, gia đình,… nên đôi khi không đủ sự quan tâm hay thiếu kiềm chế nên mới như vậy. Nhiều bạn cũng có chia sẻ chỉ mong không phải nghe những lời nói làm bản thân phải tổn thương. Mọi thứ sẽ dần thay đổi nếu chúng ta hiểu nhau hơn, trước tiên không phải việc gì cũng nên “lưu giữ” trong đầu, nhất là những câu chuyện không vui con nhé.

 

Thêm một điều nữa, đôi khi con cái sẽ cảm thấy có phần nào đó hơi bất công, thiên vị giữa các con trong gia đình. Tuy nhiên mỗi một người con mang đến cho bố mẹ một cảm xúc yêu thương khác nhau. Và vì các con chênh nhau tuổi tác(thường là như vậy) cùng với đó là bố mẹ cũng nhiều tuổi lên vậy nên cách cư xử với các con có thể cũng thay đổi theo cho dù vẫn chỉ gói gọn trong hai từ “yêu thương”. Tất nhiên cô cũng đồng ý là các bậc phụ huynh rất cần chú tâm đến việc này để các con luôn cảm nhận được sự yêu thương đủ đầy từ phía cha mẹ chứ không phải sự bất cân bằng.

 

Về những quả cherry yêu thích của con bị bố mang ra mời khách và làm con không vui. Việc này không nên phản ứng gay gắt một chút nào con nhé, bố làm vậy là có lý do của bố và con cần tôn trọng bố trong những quyết định của mình. Tuy nhiên sau đó con có thể “thì thầm” vào tai bố việc mình “rất nhớ” những quả cherry đó, cô tin bố sẽ hiểu và biết là cần làm gì để trọn vẹn cả đôi đường với khách và với con gái mình.

 

Việc các con ngày càng lớn thì cũng có xu hướng ít gần gũi chia sẻ với bố mẹ hơn so với khi còn nhỏ việc đó cũng đã tạo ra một khoảng cách giữa cha mẹ con cái trong gia đình. Điều đó cũng gây khó khăn cho bố mẹ nắm bắt tâm lý cũng như chia sẻ với các con trong việc học tập, bạn bè, vui chơi,…. Việc chủ động gần gũi, giao tiếp, thậm chí quan tâm đến bố mẹ là một việc cho thấy mình đã lớn đã trưởng thành và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ bố mẹ nếu có thể. Việc này sẽ giúp bố mẹ được gần các con hơn và sẽ hiểu các con mình nhiều hơn đó chính là điều mà con đang mong muốn phải không? Trong giao tiếp bạn bè cũng như vậy, nếu chúng ta không cởi mở, chia sẻ chúng ta sẽ ít bạn, người bạn nào cũng đều tốt nếu con nhận thấy điều gì đó thú vị ở bạn đó chứ không nhất thiết chỉ là bạn thân. Nếu có thể con hãy kết bạn nhiều hơn. Với những người bạn hay nói xấu con hãy đối diện với họ và hỏi họ xem tại sao lại nói những điều “không đúng” về mình như vậy? Con hãy đề nghị bạn tôn trọng mình, tôn trọng sự riêng tư của mình và nếu có thể hãy chơi với nhau một cách vô tư nhất. Những chuyện này con nên chia sẻ với bố mẹ, thầy cô giáo và cô tin họ sẽ không thể bỏ qua nếu nó đang tạo một áp lực vô lý cho con.

 

Thực ra cô hiểu được phần nào đó suy nghĩ của bố mẹ con, đôi khi bố mẹ cũng cố gắng để hiểu con nhưng cũng rất khó để hiểu vì có những lúc con bỗng trở nên khép kín, ít chia sẻ hơn với bố mẹ. Con hãy nhớ về những quãng thời gian khi con còn tuổi thơ ấu, con có thể hồn nhiên vô tư ôm hôn mẹ, nói lời yêu mẹ, con có thể nũng nịu bố mẹ để được dỗ dành…Nhưng bao lâu rồi con chưa làm điều đó. Trong mắt bố mẹ, con cái luôn là non dại và thực sự bố mẹ không bao giờ muốn tình cảm những thành viên trong gia đình bị xa cách. Thay vì nhốt mình ru rú trong phòng hay nhìn vào chiếc điện thoại mà không chịu trò chuyện với ai, thì con hãy vui vẻ trước với bố mẹ, chủ động làm việc nhà, học tập tốt, cởi mở với bố mẹ…dần dần cô tin chắc con sẽ lấy lại được những cảm giác được thương yêu như con đã từng có được. Một khi con trút được gánh nặng tâm tư này thì đến lớp con cũng sẽ có một tinh thần thoải mái hơn, khi đó con sẽ thấy mọi điều xung quanh con thật tươi đẹp biết nhường nào. Tự mình tiếp thêm cho mình những năng lượng cho bản thân con nhé, cô tin rằng con sẽ tìm thấy rất nhiều niềm vui trong cuộc sống.

 

Cô chúc con học giỏi, tự tin và lạc quan con nhé!

giận bố mẹ

xa lánh

khoảng cách

thì thầm