Có nên bất chấp tất cả những khác biệt để đến với người mình thích?

Chào các anh chị ạ, em có 1 câu băn khoăn rất muốn được anh chị tư vấn giùm.

 

Em năm nay 27 tuổi, đang có tình cảm với 1 người con trai ít hơn em 4 tuổi. Chúng em tuy làm cùng 1 công việc nhưng do khác nhóm nên ít tiếp xúc với nhau, chỉ nói chuyện đôi ba lần gì đó. Em có cảm tình với người đó từ cái nhìn đầu tiên, nhưng không dám tiến xa hơn vì nghĩ rằng mình hơn tận 4 tuổi, 1 khoảng cách quá xa.

 

Gần đây, em thấy người đó cũng dần có tình cảm với em, thỉnh thoảng có nhìn em, tìm kiếm xung quanh. Khi em nhìn thấy thì người đó lại né tránh, vài lần khác thì người đó nói với hội “chiến hữu” là thích em. Tuy nhiên, người đó không bao giờ nói chuyện với em, cũng không chủ động bày tỏ tình cảm hay 1 thứ gì khác tương tự dù người đó khá hòa đồng và có tính chủ động trong tình cảm.

 

Em cũng nghĩ là mình đang ảo tưởng nên vẫn im lặng, thậm chí đã tính tới việc từ bỏ nhưng tình cảm ngày một lớn dần lên, em không thể quên được. Em cũng xin nói thêm là người đó ngoài tuổi tác ít hơn, còn có nhiều khác biệt với em về hoàn cảnh sống, em ở tỉnh lẻ, còn người đó ở Hà Nội, em khép kín, ít giao thiệp bạn bè, còn người đó cởi mở, vui vẻ, em học đại học, còn người đó thì không, còn cả tôn giáo cũng khác biệt.

 

Vậy, nếu người đó cũng có tình cảm với em thì em có nên bất chấp không? Nếu không có thì em nên từ bỏ bằng cách nào ạ. Xin anh chị cho em lời khuyên. Em xin chân thành cảm ơn ạ.

Em thân mến!

 

Tình cảm từ trước đến nay vẫn luôn là điều khó có thể kiểm soát, kiềm chế bằng lý trí của mình. Ta có thể đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn để tìm được một người bạn trai hoàn hảo nhất; nhưng một số người khi gặp người không đúng tiêu chuẩn đặt ra từ trước những vẫn cứ yêu điên cuồng. Chắc hẳn bây giờ em đang cảm thấy băn khoăn rất nhiều trong việc tìm ra cho mình một lối đi trong mối quan hệ này. Chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về câu chuyện của em.

 

Theo quan niệm của ông cha ta ngày trước, lấy vợ lấy chồng là phải “môn đăng hộ đối”. Nhiều người cho rằng đây là một quan niệm tiêu cực; bởi vì mọi người đều bình đẳng, con nhà dân vẫn có thể lấy con nhà quan; con nhà giàu vẫn có thể lấy con nhà nghèo, người ít tuổi vẫn có thể lấy người nhiều tuổi… Tuy nhiên, nếu ta nhìn nhận ở một số khía cạnh khác thì quan điểm này cũng không hoàn toàn sai. Chúng ta đều biết rằng, hoàn cảnh, môi trường, điều kiện sống chi phối rất nhiều đến tính cách và lối sống của mỗi người. Và trên thực tế, khi tìm bạn đời, số đông mọi người vẫn thường tìm kiếm một nửa gần giống với mình. Sự giống nhau trong hoàn cảnh, điều kiện, tính cách, lối suy nghĩ thì sẽ dễ hiểu và thông cảm cho nhau hơn.

 

Ở đây, chúng ta không nói đến sự phân biệt đối xử; nhưng điều cần lưu ý đó là sự hòa hợp. Khi chúng ta lựa chọn người khác với ta, thì buộc ta phải cố gắng ở nhiều mặt khác như sự lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông để có thể chung sống hòa hợp với nhau. Ở trong thư, em kể ra rất nhiều sự khác biệt giữa em và người em có tình cảm; Vậy mối quan hệ này có nên bắt đầu và tiếp tục hay không là phụ thuộc vào việc cả hai có thể cùng nhau tìm được cách để hòa hợp những điểm khác biệt đó. Có nhiều người, khi tình yêu họ dành cho nhau đủ lớn, họ chấp nhận thay đổi một số điều của bản thân để hòa hợp hơn với đối phương và chấp nhận được những điểm khác biệt của cả hai.

 

Em không từ bỏ được tình cảm của mình là bởi vì em cảm thấy rằng có thể vẫn có cơ hội trong mối quan hệ này. Còn khi em cảm thấy được hai người thực sự không thể đến được với nhau, không thể dung hòa những điểm khác biệt của nhau thì tự khắc em sẽ biết cách buông bỏ. Em hãy cân nhắc về tình cảm của mình, và cho mình thời gian để kiểm chứng tình cảm bạn ấy dành cho em như thế nào? Liệu với mức độ tình cảm đó thì hai em có thể tìm được cách để dung hòa với nhau. Em hãy luôn nhớ rằng người ta thường không hối hận vì những điều mình đã làm; mà chỉ hối hận vì những điều mình muốn mà đã không làm thôi.

 

Chúc em mọi điều tốt đẹp!

CửaSổTìnhYêu