Viêm họng ở trẻ
– Viêm họng là bệnh mà khi đó họng, hầu bị viêm gây cảm giác đau họng, vướng khi nuốt.
– Giống như các loại bệnh viêm khác, viêm họng có thể là cấp tính hay mạn tính. Viêm họng có thể dẫn đến viêm amiđan khiến việc thở và nuốt gặp khó khăn.
Nguyên nhân viêm họng
Viêm họng do virus: Viêm họng ở trẻ em thường được gây ra bởi virus (chiếm 80%) như virus rhiro, adeno, virút hợp bào đường thở, cúm, sởi…
Viêm họng do vi khuẩn: Viêm họng ở trẻ em có thể được gây ra bởi vi khuẩn như vi khuẩn phế cầu, tụ cầu, đặc biệt là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (gây hậu quả rất nghiêm trọng vì có thể gây tử vong, để lại di chứng ở van tim, thấp tim),…
Các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, lạnh, ẩm, bụi, khói thuốc, rượu, khí thải hoá chất cũng gây viêm họng.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Những dấu hiệu viêm họng ở trẻ
– Bệnh viêm họng ở trẻ thường khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao 39-40ºC, người mệt mỏi, trẻ bỏ ăn, quấy khóc, tiếng khóc có thể khản.
– Khám họng thấy có mủ trắng bẩn ở khe, hốc amiđan hai bên. Sờ thấy hạch dưới hàm cả hai bên, di động, ấn đau.
– Bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao khi lấy máu làm xét nghiệm.
Biến chứng
– Nếu viêm họng cấp bị bội nhiễm, nếu kéo dài hơn có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai, mũi, phế quản. Ở trẻ em, nguy hiểm hơn nữa, còn có thể gây bệnh thấp tim.
– Liên cầu khuẩn gây viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên bệnh thấp tim.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Điều trị viêm họng cho trẻ
– Khi trẻ bị viêm họng cấp, cần phải cho trẻ nghỉ ngơi, giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là giữ ấm cho các bộ phận cổ, ngực, gan bàn chân.
– Cung cấp cho trẻ nhiều vitamin C bằng cách ăn các hoa quả như cam, quýt, bưởi hoặc viên uống, nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Nếu trẻ có triệu chứng trở nặng, lâu khỏi, sốt cao trên 38ºC cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ để chỉ định cho thuốc uống, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị.
– Cần cho trẻ súc miệng, súc họng thường xuyên bằng nước muối ấm loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ.
Cách phòng bệnh
– Vệ sinh họng, răng, miệng cho trẻ hàng ngày bằng cách đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng.
– Cần đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường để tránh khói bụi, tránh cho trẻ đến những nơi môi trường bị ô nhiễm. Tập cho trẻ thói quen uống nhiều nước, hoạt động thể chất, đánh răng sau mỗi bữa ăn, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Tránh cho trẻ uống nước quá lạnh hoặc quá nóng hay có thói quen ngậm kẹo hay ăn kem. Với phòng ngủ, cần thoáng mát nhưng không được có gió lùa, nếu có điều hòa nhiệt độ thì nên giữ ở mức nhiệt độ mát mẻ dễ chịu, khoảng 28oC.
– Khi trẻ mắc bệnh về răng, miệng, xoang, mũi… cần điều trị dứt điểm, uống thuốc theo toa, đúng phác đồ kháng sinh được kê toa, tránh để mầm bệnh tồn tại và lây lan gây viêm họng.
– Khi trẻ bị viêm họng mà có chỉ định điều trị của bác sĩ thì cần cho trẻ uống đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian, không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị vì điều trị không đúng sẽ để lại tình trạng kháng thuốc, làm cho điều trị sau này gặp nhiều khó khăn.
Viêm họng tuy là một bệnh thông thường nhưng khả năng tái phát cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Viêm họng nếu không được điều trị cũng có nhiều biến chứng khác ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí có thể để lại biến chứng thấp tim nguy hiểm. Do vậy phòng bệnh viêm họng ở trẻ rất quan trọng, đặc biệt khi có dịch viêm mũi họng. Cha mẹ cần giữ ấm vùng cổ, tránh ngồi, ngủ, tắm… ở nơi có gió lùa. Ăn nhiều hoa quả chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng của cơ thể và mũi họng.