Những yếu tố thuận lợi giúp chị em thụ thai thành công.

Trời phú cho người phụ nữ khả năng mang thai và sinh nở, tuy nhiên không phải người phụ nữ nào cũng có thể hoàn thành được chức năng sinh nở của mình do một số trục trặc ở các cơ quan sinh sản. Không phải người phụ nữ cứ có trứng rụng và quan hệ tình dục là sẽ có thể mang thai được. Việc thụ thai diễn ra cần phải có các yếu tố thuận lợi khác kèm theo như môi trường âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng…

  • Các mũi tiêm phòng cần được thực hiện trước khi mang thai
  • Các bà mẹ tương lai cần chuẩn bị gì về sức khỏe trước khi mang thai?

 

 

Môi trường âm đạo

 

Môi trường âm đạo luôn có sự thường trú của hệ vi khuẩn lợi và hại. Hệ vi sinh này luôn tồn tại ở trạng thái cân bằng và “chung sống hòa bình” với nhau trong môi trường âm đạo với độ pH acid lí tưởng là 3,8 – 4,5 ở tuổi dậy thì và trưởng thành.

 

Độ pH âm đạo thường không ổn định, chỉ cần một tác nhân nhỏ như: mặc đồ lót quá chật, vệ sinh không đúng cách, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt … cũng đủ làm độ pH vượt ngưỡng bình thường. Với môi trường pH lý tưởng sẽ giúp tinh trùng sống được lâu hơn trong môi trường âm đạo, tăng số lượng tinh trùng có thể tiến sâu hơn vào bên trong làm tăng xác suất thụ thai.

 

Nguồn ảnh: Internet.

 

Các yếu tố về cổ tử cung

 

Cổ tử cung là bộ phận nối buồng tử cung với âm đạo và có vai trò quan trọng trong thai kỳ và sinh nở. Sự lên xuống của hormone buồng trứng liên quan chặt chẽ tới chất nhầy tử cung và có liên quan mật thiết đến việc thụ thai. Lượng nhầy, tính chất và trạng thái của nó, kết tinh chất nhầy thay đổi theo sự biến đổi của nội tiết nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Căn cứ vào những đặc trưng này của chất nhầy cổ tử cung từ đó xác định được chính xác thời điểm rụng trứng và có kế hoạch mang thai phù hợp.

 

Các yếu tố về tử cung

 

Tử cung (dạ con) được hình thành ở bụng dưới và hoàn chỉnh về cấu trúc ngay khi thai còn trong bụng mẹ. Tử cung lớn dần lên và thay đổi về độ lớn cũng như hình dáng và kích thước theo sự phát triển của người con gái.

 

– Khi trưởng thành, tử cung có kích thước trung bình 7,5cm trong đó thân tử cung dài 5cm còn lại eo và cổ tử cung 2,5cm. Bình thường eo chỉ dài khoảng vài milimet nhưng khi có thai nó sẽ dãn dần ra thành “đoạn dưới” dài tới 9 – 10cm. Buồng tử cung là một khoang rỗng, dung tích buồng tử cung lúc bình thường chỉ 5ml nhưng khi thai đủ tháng có thể tới 5000ml thậm chí còn hơn nữa (tăng hơn 1.000 lần)

 

– Những bất thường ở tử cung có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng tới việc mang thai và làm tổ của thai cho người phụ nữ, bẩm sinh như tử cung nhi hóa, tử cung hai sừng… bệnh lý mắc phải như viêm dính buồng tử cung một phần hoặc hoàn toàn, có khối u trong tử cung…

 

Niêm mạc tử cung: Niêm mạc tử cung gồm 2 lớp, lớp nội mạc căn bản (lớp đáy): Mỏng, không thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Lớp nội mạc tuyến (lớp nông): Có thể bong ra theo chu kỳ, hoạt động chịu nhiều biến đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.

 

Nguồn ảnh: Internet.

 

Hàng tháng, dưới tác dụng của hormon sinh dục nữ, niêm mạc tử cung phát triển dày lên để sẵn sàng nhận trứng thụ tinh làm tổ. Khi sự thụ tinh không diễn ra, niêm mạc tử cung sẽ tự bong ra và gây chảy máu còn gọi là hành kinh. Khi có trứng đã thụ tinh về làm tổ, lớp này phản ứng do sự thay đổi nội tiết, nội mạc tử cung tiếp tục dày lên và trở thành lớp rất đặc biệt là màng rụng, cho phép phôi làm tổ và nhau thai phát triển. Niêm mạc tử cung dù quá dày hay quá mỏng đều tác động đến việc mang thai và sự phát triển bình thường của thai nhi.

 

Các yếu tố về vòi trứng

 

Vòi trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung. Noãn và tinh trùng sẽ kết hợp tại vòi trứng tạo thành trứng đã thụ tinh, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ. Tắc, dính hay hẹp vòi trứng là tình trạng vòi trứng bị chít hẹp, cản trở sự di truyển của trứng về tử cung, do đó trứng không thế gặp được tinh trùng và sự thụ thai không diễn ra.

 

Vòi trứng nhu động tốt, mềm mại giúp cho sự hứng trứng rụng đưa vào vòi trứng gặp tinh trùng được dễ dàng hơn. Ngược lại những người nhu động vòi trứng không tốt do viêm nhiễm hay do xơ cứng sẽ ảnh hưởng đến việc thụ thai.

 

Ứ nước vòi trứng là biến chứng của một số loại bệnh như: Viêm âm đạo, viêm vòi trứng, viêm khung xương chậu do nhiễm Chlamydia, lậu cầu hay do viêm dính vòi trứng… là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn và vô sinh ở nữ.

 

Các yếu tố về buồng trứng

 

Mỗi tháng cơ thể nữ giới đều sẵn sàng cho việc thụ thai với biểu hiện rõ nhất là 1 tế bào trứng trưởng thành và rụng khỏi buồng trứng mỗi tháng. Hiện tượng này thường xảy ra vào giữa chu kỳ (khoảng ngày 14 đối với chu kỳ 28 ngày). Nếu sự rụng trứng xảy ra đều đặn, cơ chế hoạt động của các cơ quan mức độ hormone được ổn định. Nếu không có sự rụng trứng sẽ dẫn đến mất cân bằng nội tiết, ảnh hưởng đến cơ chế thụ thai.

 

Hoàng thể (còn gọi là thể vàng) là một tổ chức có màu vàng, hình thành trên buồng trứng sau khi nang noãn vỡ và phóng thích trứng. Hoàng thể đảm nhận chức năng nội tiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm tổ và phát triển của phôi trong dạ con, tạo điều kiện cho thai phát triển tốt trong 3 tháng đầu. Trường hợp thể vàng bệnh lý  tồn tại trên buồng trứng lâu hơn nhiều so với thời hạn sinh lý của nó, sự tồn tại của thể vàng bệnh lý là nguyên nhân gây nên hiện tượng chậm sinh và vô sinh

 

Yếu tố về trứng và tinh trùng

 

Ở mỗi chu kỳ, các nang noãn phát triển và có một nang noãn được chọn lọc trở thành nang noãn trưởng thành vào ngày thứ 8- 10 của chu kỳ. Đến ngày rụng trứng, nang noãn trưởng thành sẽ vỡ ra và phóng thích noãn di chuyển vào tai vòi để gặp tinh trùng. Tinh trùng và trứng kết hợp tạo thành phôi thai và sau đó di truyển về tử cung để làm tổ.

 

Nguồn ảnh: Internet.

 

Bình thường trứng làm tổ ở thành sau hoặc thành trước tử cung. Trong trường hợp bất thường, trứng có thể làm tổ ở gần lỗ trong ống tử cung hoặc ở ngoài tử cung (chửa ngoài tử cung) như: Trong khoang bụng, trên bề mặt buồng trứng, trong vòi trứng. Trứng làm tổ lạc chỗ ít khi có thể phát triển tới đúng kỳ hạn, phôi thường chết và mẹ thường xuất huyết nghiêm trọng. Trong các trường hợp chửa ngoài tử cung, chửa ở vòi trứng hay gặp nhất, vòi trứng sẽ vỡ trong khoảng tháng thứ 2 của thời kỳ phôi gây xuất huyết nghiêm trọng cho mẹ.

 

 

Như vậy, không phải chỉ cần có trứng và tinh trùng là có thể thụ thai được mà việc thụ thai còn phụ thuộc và rất nhiều các yếu tốt thuận lợi khác từ đường sinh dục của nữ giới. Chỉ cần một trong các yếu tố trên bị trục trặc thì cũng có thể làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai. Hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng đi chữa vô sinh ngày càng nhiều và độ tuổi của các cặp vợ chồng đi chữa vô sinh ngày càng giảm. Vì vậy việc kiểm tra định kỳ phụ khoa rất cần thiết giúp chị em phòng tránh một số bệnh về phụ khoa và kiểm tra được một phần khả năng sinh sản của mình.

Theo NTD