Kính chào chương trình cửa sổ tình yêu. Em với chồng em cưới nhau gần một tháng, tình yêu của vợ chồng em rất chóng vánh, vợ chồng em quen biết nhau từ lúc làm chung công ty, và chính thức quen và cưới chỉ trong một tháng, ban đầu ảnh kể về hoàn cảnh gia đình của ảnh giống gia đình nhà em và hai em đã chấp nhận điều đó. Em bắt đầu phát sinh mâu thuẫn từ khi cưới, Em rất thương ảnh, nhưng mẫu thuẫn xuất phát từ gia đình của nhà chồng, và em luôn có ác cảm vì điều ấy.
Mẹ chồng em lúc nào cũng nhắc đến chuyện tiền bạc, lúc vừa đám cưới xong, mẹ đã than vãn chuyện anh đầu của chồng em không có tiền mượn mẹ vàng để cho, và đứa em gái, mẹ cũng đưa vàng để đưa vợ chồng em cho mát mặt với họ hành, rồi chồng em đề nghị em trả lại số vàng đó cho bên chồng, tiếp theo đó vì vợ chồng em có mượn thêm của mẹ 10 triệu để vợ chồng vào thành phố tổ chức, thì xong đám cưới, họ hàng nhà bên chồng em có đi, lúc bóc thiệp, chồng em đã lựa hết tất cả thiệp của họ hàng bên chồng để mang sang cho mẹ bóc và số tiền đó coi như là trả cho mẹ, em không đồng ý và vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, vì đám cưới thành phố là vợ chồng em tổ chức.
Sau đó số tiền đó vẫn đưa cho mẹ tổng hơn 16 triệu đồng và mẹ rất vui về điều đó, lúc nào mẹ cũng nói về đám cưới tiền như thế nào, biết em có ác cảm về gia đình bên chồng điều đó đã làm chồng em rất khó xử, bởi chồng em đi làm mà mỗi tháng phải gửi cho mẹ chồng hết 7 8 triệu, còn lo cho đứa em sinh năm 1993, không chịu lo làm việc mà đến tiền ăn uống, quần áo hay nhà trọ học hành ảnh đều lo hết cả, khi cưới chưa đầy hai tuần, về nhà mẹ vẫn hay nhắc đến tiền đám cưới của vợ chồng em, khi mẹ đi chợ, chồng em hỏi có tiền đó không, mẹ bảo có rồi vét tiền kêu được vài trăm đủ chán, nhưng ý mẹ là nhắc khéo vụ tiền.
Chồng em sau đó đề nghị với em rằng mỗi tháng đưa mẹ 3 triệu, em lại không đồng ý, rõ ràng mẹ có 4 người con, họ thay nhau rằng tháng này người này lo, tháng sau chồng em lo, tại sao mỗi tháng đều phải như vậy, liệu rằng ảnh có nghĩ từ khi cưới chồng nhà chồng đã cho vợ chồng em được gì, có lẽ em ích kỷ khi nói những điều đó, chẳng nhẽ em thấy vậy rồi em giấu giếm để cho mẹ đẻ mình tiền cho công bằng.
Hai đứa em đều xa quê vào thành phố lập nghiêp, ước mơ mua được nhà riêng nhưng biết khả năng không thể mua nên đã nghĩ đến căn hộ trả góp, nhưng đến mức này em nghĩ rằng sẽ không thực hiện được, em trai ảnh đã 24 tuổi nhưng đến cái ăn cái mặc vẫn gọi ảnh mua đồ ăn mang về, đi đâu cũng xin tiền, còn mẹ thì thích đi đâu thì nhắn cho ảnh cái tin để đặt vé máy bay, đã nhiều lần rồi, mẹ luôn tự hào được nhờ con cái, nhưng mẹ thật ỷ ý, có lẽ nói ra những điều này em cảm thấy mình ích kỷ.
Vợ chồng em đã cãi nhau to tiếng suýt ly thân, và ảnh nói em muốn ảnh trở thành đứa con bất hiếu, và ảnh phải sống với lương tâm của ảnh, trách nhiệm với gia đình, còn em có lẽ em lấy chồng em bất hiếu vì không lo được cho ba mẹ em ngày nào, mới đây mẹ lại về quê anh lại đặt vé máy bay và ảnh đã không cho em biết, giống như ảnh giấu vì sợ em gây chuyện, em không biết phải tâm sự với ai, anh luôn coi gia đình là quan trọng, mẹ thì đòi hỏi tiền, em thì không dung hoà được, giờ em chỉ muốn thoát khỏi cảnh này thôi, nhờ chương trình giúp em.
Em cảm ơn chương trình rất nhiều.!
Chào em!
Ai cũng có một gia đình lớn trước khi đến với một gia đình nhỏ. Điều quan trọng là phải khéo léo cư xử để người bạn đời không có cảm giác sự giúp đỡ ấy trở thành một gánh nặng. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách dung hòa trong hoàn cảnh này. Cửa sổ tình yêu hiểu được em cảm thấy chán nản như thế nào khi chồng chỉ biết lo toan cho gia đình lớn, em nghĩ mình ích kỷ nhỏ nhen nhưng có lẽ ai ở trong hoàn cảnh của em cũng sẽ đều có tâm lý tương tự.
Có một câu nói truyền miệng rằng: Phụ nữ Việt Nam lấy chồng là cưới cả gia đình chồng” để nói về gánh nặng của người phụ nữ sau khi kết hôn. Họ phải lo liệu chăm sóc cho không chỉ chồng, cho con mà còn bố mẹ chồng, anh chị em trong gia đình. Vì thế gánh nặng này đôi khi quá lớn khiến đôi vai của người phụ nữ không còn đủ sức chứa. Cảm giác căng thẳng, mệt mỏi của em lúc này chúng tôi phần nào hiểu được. Dù em đã cố gắng suy nghĩ tích cực nhưng có lẽ những hành động hiện thời của chồng đang khiến em như phát điên và chán ngán. Không biết tương lai sẽ ra sao, tổ ấm nhỏ này anh ấy sẽ lo liệu như thế nào khi quá nặng gánh gia đình.
Khi bắt đầu bước chân về nhà chồng, em và chồng cũng như mẹ chồng đã nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề tiền bạc. Đó là cảm xúc khó chịu không hài lòng của em khi gia đình chồng không hề giúp đỡ mà còn tính toán thiệt hơn. Thực tế suy nghĩ này có thể hiểu được nhưng xét trong hoàn cảnh gia đình “một điều nhịn chín điều lành” vì nếu đó là điều đã diễn ra và không thể thay đổi thì chỉ còn cách chấp nhận. Mẹ chồng thích nói chuyện về tiền, luôn nhờ cậy con cái là bản tính, em sẽ dần phải làm quen khi về làm dâu trong gia đình. Hơn nữa mỗi vùng miền hay văn hóa gia đình sẽ có quan điểm khác nhau. Có thể ở địa phương em trong ngày cưới bố mẹ sẽ lo liệu việc cưới xin, còn tiền thu được cho con để có vốn làm ăn sau này. Nhưng nhập gia tùy tục, không thể lấy quan điểm của em để áp đặt suy nghĩ của mẹ chồng cũng như chồng.
Về việc chồng em thường gửi tiền về cho mẹ, số tiền không hề nhỏ nhưng anh ấy vẫn ngỏ ý em đưa thêm cho bà 3 triệu. Có thể là một người con hiếu thảo, muốn đẹp lòng mẹ nên anh ấy đưa ra ý kiến như vậy. Tuy nhiên giờ anh ấy đã có một gia đình nhỏ của mình và việc hài hòa giữa cả hai bên là điều rất quan trọng. Trong vấn đề tài chính cần có sự thống nhất rõ ràng. Em có thể chủ động sắp xếp thời gian để nói chuyện với anh ấy. Đó có thể là công khai về tài chính của cả hai, những khoản nào dành cho gia đình, khoản nào để tiếp kiệm. Hoặc thậm chí em có thể ngỏ ý có sự hỗ trợ với gia đình bên ngoại để chồng em ý thức được việc làm của mình. Đôi khi anh ấy cần đặt vào hoàn cảnh của em mới hiểu được cảm xúc thật của em. Điều đó cũng khiến em bớt cảm thấy nặng nề và thiên lệch khi chồng chỉ biết lo cho gia đình bên nội.
Chồng em từ công khai chuyển sang giấu giếm để đưa tiền cho mẹ. Có thể anh ấy không muốn em suy nghĩ và sau chuyện này hai vợ chồng lại căng thẳng. Trong trường hợp này em cũng có thể chia sẻ với chồng để anh ấy hiểu hơn về vị trí vai trò của người chồng trong việc hài hòa giữa gia đình và vợ. Thay vì em phân định rạch ròi hoặc bắt anh ấy lựa chọn giữa mẹ và vợ thì em cần khéo léo chia sẻ với chồng về mong muốn, quan điểm của em. Với người già, được nhờ cậy ở con cái cũng là niềm an ủi lớn nhất vì thế sẽ có những trường hợp ngoại lệ để em thể hiện em hiểu chồng, coi trọng anh ấy và gia đình. Thế nhưng anh ấy cần rõ ràng, công khai hoặc bàn bạc với em thay vì lén lút.,về lâu về dài sự việc này sẽ khiến cả hai mệt mỏi. Cuộc hôn nhân cũng vì thế mà khó có thể duy trì.
Về phía hai em của chồng, em cũng có thể chia sẻ quan điểm của mình. Nếu các em vẫn chưa quen với việc anh đã có gia đình và không thể chu cấp hay lo lắng chu toàn cho các em như trước thì cũng cần thưa dần hoặc định ra mức hỗ trợ chứ không thể như trước để các em hiểu và tự thân đi làm kiếm tiền thay vì ỷ lại vào anh trai. Em có thể khích lệ chồng khi anh ấy rất biết chăm lo cho gia đình nhưng cần có giới hạn và cũng cần để các em có ý thức tự lập. Điều này không có nghĩa anh ấy sẽ là người con bất hiếu hay bỏ bê gia đình của mình mà là cần có sự hài hòa giữa gia đình nhỏ và gia đình to.
Đây là một vấn đề không hề dễ dàng đặc biệt là hai em lại đang trong giai đoạn đầu chung sống nên không thể tránh khỏi những hiểu lầm. Vậy nên em có thể kiên trì cố gắng tác động chia sẻ với chồng, có những kế hoạch rõ ràng về tài chính để giảm thiểu những căng thẳng trong gia đình.
Chúc hai em sẽ vượt qua khó khăn và cùng nhau bảo vệ mái ấm mình đang có!